Ngọc Châu – Ngôi Tịnh xá đầu tiên của Ni giới hệ phái Khất sĩ tại Quảng Nam
Phật giáo du nhập vào Việt Nam đã hơn 2.000 năm lịch sử. Xuyên suốt chiều dài 20 thế kỷ ấy, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc với bao khúc quanh lịch sử thăng trầm. Phật giáo Việt Nam tiếp nhận hai nguồn du nhập từ Ấn Độ và Trung Hoa và chư Tổ đã khéo léo vận dụng thành một Phật giáo Việt Nam thuần túy. Tinh thần tự tôn dân tộc thể hiện rõ nét qua cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Từ đó, chư Tổ kế thừa tạo nên một Phật giáo Việt Nam độc lập mang đậm nét riêng biệt. Đến giữa thế kỷ XX, Tổ sư Minh Đăng Quang với sự sáng lập Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam tạo nên một nét đặc thù mà Phật giáo các nước trong khu vực không có. Với chí nguyện “Nối truyền Thích Ca Chánh pháp”, vào năm 1944, Tổ sư Minh Đăng Quang thành lập Giáo đoàn Khất sĩ đủ hai bộ Tăng Ni để hoằng truyền giáo pháp Như Lai. Sau khi Ngài vắng bóng, các hàng thượng túc đệ tử lãnh đạo các Giáo đoàn chia nhau đi giáo hóa và dần lan rộng đến miền Trung trong đó có Quảng Nam. Bên Ni đoàn, dưới sự hướng dẫn của Ni trưởng Huỳnh Liên, chư Ni đã đến Quảng Nam, cụ thể là Hội An để hoằng pháp và Tịnh xá Ngọc Châu ra đời từ đấy. Vì thế, trong bài viết này, chúng tôi chọn đề tài “Ngọc Châu – Ngôi Tịnh xá đầu tiên của Ni giới Hệ phái Khất sĩ tại Quảng Nam” để tìm hiểu sự du nhập của đạo Phật Khất sĩ tại Quảng Nam và hành trạng của chư Ni Trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu để khẳng định sự đóng góp của Tịnh xá đối với Hệ phái Khất sĩ, đối với Phật giáo Quảng Nam và cộng đồng quần chúng Phật tử.
1. Bối cảnh xã hội và sự du nhập của Hệ phái Khất sĩ vào Quảng Nam
Vùng đất Quảng Nam kể từ khi trở thành đất Đại Việt, niên hiệu Hồng Đức vào năm 1471 tính đến nay đã 550 năm. Trong khoảng thời ấy, Đạo Phật luôn có mặt với những làn sóng di dân từ phương Bắc vào và sau đó là từ Trung Hoa sang. Và suốt gần 500 năm, Phật giáo Bắc truyền nhưng chủ yếu là dòng thiền Lâm Tế đóng vai trò chủ đạo trong sự hình thành, phát triển của Phật giáo Quảng Nam. Vì thế, đời sống tâm linh của người dân xứ Quảng ngoài việc phụng thờ Tổ tiên còn có tâm thành quy hướng Phật đạo, ăn chay niệm Phật làm lành lánh dữ. Với 5 thế kỷ tiếp nối nhau hoằng truyền Chánh pháp, chư Tổ tại Quảng Nam đã đặt nền móng vững chắc cho niềm tin Phật đạo tại mảnh đất chưa mưa đã thấm, là một mảnh đất tốt đầy phù sa màu mỡ, để nhánh cây Hệ phái Khất sĩ dễ dàng bén rễ và phát triển tại nơi đây.
“Sau khi Tổ sư vắng bóng, Giáo đoàn vẫn tiếp tục hành đạo do quý Trưởng lão Nhị tổ Giác Chánh hướng dẫn đoàn du Tăng khoảng 20 vị thực hiện nhiệm vụ du phương hóa duyên hành đạo suốt các tỉnh miền Trung (1956 – 1957)”2. Đây có thể được xem làm mốc thời gian Giáo đoàn Hệ phái Khất sĩ du nhập vào đất Quảng Nam nói riêng và miền Trung nói chung.
Mùa thu năm 1956, trên đường du phương hành đạo, đoàn du Tăng Khất sĩ từ miền Nam đặt chân đến thị xã Hội An với sứ mạng xiển dương Chánh pháp. Đoàn thứ nhất do Trưởng lão Giác Chánh làm Trưởng đoàn, nơi đến đầu tiên của đoàn là Chùa Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam và được Phật tử trong làng Minh Hương họp bàn và mời đoàn về Chùa Phật Minh Hương để tá túc. Từ đó, Chùa Phật Minh Hương trở thành trú xứ của du Tăng Khất sĩ mỗi khi đến Hội An. Bên cạnh đó, với lòng khát ngưỡng giáo pháp, Phật tử nơi đây đã thỉnh quý Sư trao truyền giáo pháp. Tuy nhiên, do điều kiện lúc bấy giờ, nếu muốn tập trung quần chúng đông thì cần phải xin phép. Vì vậy, các Sư chỉ được thuyết giảng trong ba đêm. Nhưng lần thuyết giảng này đã gây được tiếng vang lớn trong lòng người dân.
Mùa xuân năm 1957, đoàn du Tăng Khất sĩ thứ hai lại đến Hội An, do thầy Thích Giác Lý làm Trưởng đoàn, cũng trú tại Chùa Minh Hương và cũng thuyết giảng trong ba đêm. Phật tử về tham dự rất đông, địa điểm thuyết pháp là nhà một Phật tử (nhà bà Thử).
Đoàn thứ ba đến Hội An là một phái đoàn do chư Ni hướng dẫn, đoàn đến Hội An vào chiều thu năm 1957. Trong đó, Ni trưởng Huỳnh Liên làm Trưởng đoàn. Cùng đi có Ni trưởng Bạch Liên, Ni sư Châu Liên, Ni sư Kỉnh Liên, Sư cô Tiến Liên, Sư cô Mỹ Liên… đoàn đi có cả Phật tử đi cùng, đó là ông Khánh Hòa, bà Hoa Ngọc, cô Tùng Ngọc, tất cả có 21 người. Quý Ni sư trong đoàn đi lần này rất đông và tuổi đời khá trẻ nên lại một lần nữa làm khơi gợi trí tò mò cũng cho thấy ý chí kiên cường của những nữ nhi dũng cảm, kiên cường trong dòng họ Thích, con gái Đức Như Lai “phất cao ngọn cờ Chánh pháp” và thời điểm này, quý Sư cũng thường ban bố pháp đến cho dân chúng, lời dạy cũng không thua kém chư Tăng. Do vậy, khi quý Sư lên đường, một số thanh nữ ở Hội An cũng xin học tu theo đạo giải thóat. Chỉ trong một thời gian ngắn, giáo pháp giác ngộ đã đến được đông đảo quần chúng nhân dân nơi đây, cho thấy sức ảnh hưởng và lan tỏa của Hệ phái Khất sĩ lúc bấy giờ cũng không nhỏ. “Ni giới Hệ phái Khất sĩ do Ni trưởng Huỳnh Liên là Trưởng tử Ni của Tổ sư Minh Đăng Quang đứng ra thành lập. Buổi đầu, hàng Ni giới do Tổ sư trực tiếp chứng minh tiếp độ và giáo dưỡng cho đến khi Tổ sư vắng bóng. Quý Ni trưởng kế thừa trực tiếp lãnh đạo và chính thức thành lập Giáo hội Khất sĩ Ni giới Việt Nam năm 1958, trong 10 năm đầu (1954 – 1964)”3. Không chỉ các Tịnh xá ở Quảng Nam, Đà Nẵng mà còn ở các tỉnh lân cận của miền Trung “không có tỉnh thành nào trên dải đất Trung phần Việt Nam mà không có gót chân Ni trưởng giáo hóa bá tánh, thành lập đạo tràng, tiếp độ môn sinh, thuyết giảng kinh pháp, phổ biến giáo lý”.4
Và đoàn du Tăng thứ tư đến Hội An là vào năm 1958, do Thượng tọa Giác Chánh làm Trưởng đoàn, có chư Sư đi cùng như: Sư Giác Nhiên, Giác Tường, Giác Huệ. Đoàn đã thuyết giảng ở Hội An 7 đêm. Hằng ngày phái đoàn du Tăng thường đi khất thực đến trưa thì độ ngọ. Quý Ngài đã đem đến một luồng sinh khí mới về giáo pháp cũng như ôn lại những hạnh nguyện, những pháp tu mà thuở xa xưa Đức Phật đã hành trì. Có thể nói Hệ phái Khất sĩ đã 4 lần du hành về miền Trung mà trong đó Hội An – Quảng Nam là nơi để chư Tăng Ni đặt chân hoằng hóa và làm nền tảng, sự du hóa của chư Tăng Ni Hệ phái Khất sĩ chính thức vào năm 1956 đến năm 1958. Tuy nhiên, đến lần thứ 4 thì mới hình thành ngôi Tịnh xá đầu tiên trên mảnh đất Hội An.
2. Quá trình hình thành và phát triển Tịnh xá Ngọc Châu
Sau bốn lần ra Hội An hoằng hóa, các Giáo đoàn Tăng – Ni của Hệ phái Khất sĩ đã tạo được niềm tin của đông đảo tín đồ Phật tử và nhu cầu thiết lập một Tịnh xá để có nơi cho quý Sư về trú ngụ hành đạo được đặt ra. Từ đó, các Phật tử ở Hội An đã đi chọn đất và thỉnh nguyện với quý Sư việc xây dựng Tịnh xá. Trước tâm nguyện ấy, Trưởng lão Giác Chánh đã khuyên dạy như một lời hứa khả rằng: “Chư Phật tử nên lo tu tâm trước rồi cất chùa sau. Và nếu có cất, nên cất cho chư Ni, vì người nữ có nhiều mặt hạn chế nên cần tiện nghi hơn. Còn chư Tăng là đàn anh phải đi trước mở đường. Hơn nữa, Khất sĩ là hạnh “Du Tăng”, đến rồi đi, sự ở chỉ là tạm bợ. Sư ông còn dặn thêm: “Nếu tìm đất phải chọn nơi ngoại ô, xa đô thị huyên náo, xa xóm làng ồn ào, đất phải cao ráo, thoáng mát”.
Theo lời chỉ dạy của Trưởng lão Giác Chánh, quý Phật tử tại Hội An chọn mua một mảnh đất dọc theo đường Cửa Đại, thuộc địa phận xã Cẩm Châu để xây dựng Tịnh xá. Sau khi hoàn tất về mặt pháp lý, quý Phật tử trình lên Giáo đoàn, Sư Thượng tọa đại diện chứng minh rồi trao quyền xử lý cho Ni giới. Ni trưởng Huỳnh Liên đại diện Ni giới Khất sĩ Việt Nam, đứng ra nhận lãnh và dạy Phật tử xây cất nhà lá để cho quý Ni sư điều hành công tác Phật sự sau này. Sau khi chứng minh xong, đoàn Du Tăng Khất sĩ trở về Nam. Ni trưởng Huỳnh Liên chỉ đạo Sư bà Đức Liên ra Hội An, trực tiếp lãnh đạo công trình xây dựng Tịnh xá và đặt tên là Tịnh xá Ngọc Châu.
Tịnh xá Ngọc Châu được xây dựng vào năm 1958 tính đến nay đã hơn 60 năm. Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, Tịnh xá trải qua 6 lần trùng tu vào các năm: 1959, 1965, 1967, 1968, 1990 – 1995, 1999, để có diện mạo trang nghiêm thanh tịnh, góp phần làm đẹp cho ngôi nhà Phật giáo Quảng Nam.
3. Các đời Trụ trì và những đóng góp của Tịnh xá Ngọc Châu đối với Phật giáo và Dân tộc
Điểm đặc thù của Hệ phái Khất sĩ là mỗi năm hai lần thuyên chuyển Trụ trì5 vào dịp chư Tăng Tự tứ rằm tháng 7 và nhân ngày tưởng niệm Tổ sư Minh Đăng Quang vào ngày mùng 01/02 âm lịch hằng năm. Vì lẽ đó, Tịnh xá Ngọc Châu mới hình thành trên nửa thế kỷ và đã trải qua 15 đời Trụ trì vào các khoảng thời gian như sau:
1. Sư bà Đức Liên: 1959 – 1961;
2. Sư bà Ngọc Liên: 1961 – 1962;
3. Ni sư Nhu Liên: 1962 – 1963;
4. Ni sư Phan Liên: 1963 – 1964;
5. Ni cô Sắc Liên: 1964 – 1966;
6. Ni sư Hữu Liên: 1966;
7. Ni cô Tri Liên: 1966 – 1967;
8. Ni sư Khiêm Liên: 1967 – 1969;
9. Ni sư Trạng Liên: 1969 – 1970;
10. Ni sư Trân Liên: 1970;
11. Ni sư Tĩnh Liên: 1970 – 1973;
12. Ni sư Phát Liên: 1973 – 1974;
13. Ni sư Chất Liên: 1974 – 1975;
14. Sư bà Tứ Liên: 1975 – 1997;
15. Sư bà Ánh Liên: 1997 – nay.
Trải qua ngần ấy biến chuyển, có những lúc thuận lúc nghịch nhưng bằng tâm nguyện của mình, quý Ni trưởng, Ni sư đã vận dụng hết khả năng của mình để duy trì và phát triển Tịnh xá Ngọc Châu. Không những thế, quý Sư còn du hóa đến các tỉnh thành ở miền Trung và Nam để kiến lập Tịnh xá tiếp độ nữ lưu. Công đức của quý Sư đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc xin tóm lược như sau:
– Ni trưởng Đức Liên: Đối với Tịnh xá Ngọc Châu, Ni trưởng đã gắn bó suốt 2 thời kỳ là kiến thiết (1959) và tái thiết (1967), suốt thời gian 10 năm lưu trú tại miền Trung với nhiều khó khăn về thời tiết, cơ sở vật chất nhưng Ni trưởng vẫn một mực giữ nguyên chí nguyện ban đầu. Sư bà khắc phục mọi chướng duyên, âm thầm đem đạo giải thoát thâm nhập vào lòng người, lặng lẽ gieo hạt giống Khất sĩ vào mảnh đất vốn mang nặng lễ nghĩa Nho giáo. Sư bà đã thành lập hơn 10 Tịnh xá tại miền Trung và đào tạo thế hệ Ni tài cho Giáo hội. Tuy vậy, tư tưởng độ Tăng hay tạo tự là bổn phận của “Sứ giả Như Lai” và mỗi tu sĩ không có gì ngoài ba y và bình bát “Tăng vô nhất vật” cho nên khi hoàn thành xong nhiệm vụ được giao phó, Sư bà lại nhẹ gót đi hóa độ nơi khác, đến khi tỉnh nào cũng có Tịnh xá mọc lên khắp xứ Trung phần (Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Bồng Sơn, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng, Quảng Trị) thì Sư bà mới về lại miền Nam để tu tập cho đến ngày viên tịch.
– Kế Ni trưởng Đức Liên, có Ni trưởng Nhu Liên, Ni trưởng Phan Liên cũng là những vị ưu tú khi là những vị đứng đầu trong công tác xây dựng và trụ trì các ngôi Tịnh xá tại các tỉnh Trung phần. Ni trưởng Nhu Liên trước lúc về Quảng Nam đã từng trụ trì Tịnh xá Ngọc Quảng – Quảng Ngãi và sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Quảng Nam, vào năm 2000, Ni trưởng trụ trì Liên Quốc Thiền viện tại Hoa Kỳ. Ni trưởng Phan Liên cũng có nhiều đóng góp khi xây cất Tịnh xá Ngọc Nhuận ở Quy Nhơn, Tịnh xá Ngọc Thọ ở Komtum, Tịnh xá Ngọc Thành ở Buôn Mê Thuộc. Bên cạnh đó, Ni trưởng còn là người tài trợ chính cho Tịnh xá Ngọc Sơn ở Bồng Sơn, Ngọc Thạnh ở Phi Nôm, Ngọc Kinh ở Huế, Ngọc Khoa ở Bình Định. Tại Tịnh xá Ngọc Châu, trong thời gian trụ trì, quý Sư đã quan tâm phát triển công tác hoằng pháp cho Phật tử tại gia bằng việc tổ chức các buổi “luận đàm Đạo pháp”, ngày thọ Bát quan trai, nhằm mang ánh sáng Phật pháp đến với người dân.
– Ni trưởng Liên Sắc: Ngoài việc trùng tu Tịnh xá Ngọc Châu và hướng dẫn Phật tử tu tập, Ni trưởng là vị Ni đặt nền móng cho việc tu tập trong chùa theo phương pháp khoa học, cũng trong thời gian trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu, Sư là người đề nghị mở “Trường Sơ cấp từ thiện” năm 1965 dạy học miễn phí cho những hoàn cảnh đau thương mất mát trong chiến tranh.
– Ni trưởng Khiêm Liên: Trong thời gian Phật giáo tranh đấu năm 1963, quý Sư ít ra Trung để hoằng hóa, cho nên thiếu người Trụ trì, Sư tạm trụ trì Tịnh xá Ngọc Cơ – Đà Nẵng một khóa. Năm 1964, Sư theo thầy Bổn sư ra Cam Lộ xây dựng Tịnh xá Ngọc Lộ, năm 1965 sư lên Pleiku giúp Sư Hạnh Liên tạo lập Tịnh xá Ngọc Bảo. Năm 1966, về lại Hội An dạy tại Trường Sơ cấp 1 cho đến năm 1967 trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu. Năm 1968, Sư xây dựng Trường Sơ cấp từ thiện 2, Sư đã có tinh thần cao trong việc giáo dục thời bấy giờ, cụ thể là “Tình hình chiến tranh lúc này khốc liệt, đồng bào ở các xã vùng sâu, vùng xa của quận Hiếu Nhơn, mỗi ngày đổ về Hội An một đông, số học sinh xin vào Trường Sơ cấp Ngọc Châu quá đông, quý Ni cô phải phân phối dạy ngày 4 xuất mà vẫn không giải quyết hết số học sinh hiện có. Muốn đáp ứng kịp thời nạn thiếu trường học trong hiện tại, Sư vận động các mạnh thường quân và các gia đình phụ huynh học sinh khá giỏi đóng góp xây dựng thêm trường Sơ cấp từ thiện 2”.6
– Ni trưởng Trạng Liên: Trong thời gian trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu, Ni trưởng là người rất nhiệt huyết trong các công tác xã hội, có công mở ký nhi viện, Ni trưởng cũng có tấm lòng nhân hậu khi “giữa lúc chiến tranh Việt Nam đang trong thời kỳ khốc liệt, số các em bị chiến tranh cướp mất cha mẹ tăng lên mỗi ngày mỗi nhiều, Sư phải tiếp nhận nuôi nấng và tìm phương tiện đưa từ Quảng Nam vào Phan Rang”.7
– Ni trưởng Trân Liên: Vì thời gian trụ trì ngắn ngủi, sư chưa tạo lập gì cho Tịnh xá. Tuy nhiên, “Giai đoạn Quảng Nam chiến tranh khốc liệt, Sư dốc toàn tâm toàn lực cứu trợ đồng bào chiến nạn và cũng tham gia với một vài Phật tử cơ sở cách mạng như cô Mỹ Ngọc, ông Thiện Phước B, nuôi cán bộ nằm vùng. Nhiều đêm cán bộ cách mạng ở Tịnh xá rải truyền đơn. Sáng ra, Sư bị văn phòng quận Hiếu Nhơn gọi qua thẩm vấn, nhưng nhờ Phật độ, Sư vẫn bình an”8… các vị Ni sư qua các đời Trụ trì đã kế vị, hoằng hóa Tịnh xá Ngọc Châu cho đến ngày hôm nay.
– Ni trưởng Tứ Liên là một trong những nữ Khất sĩ đầu tiên của miền Trung. Theo chân Sư bà Đức Liên làm thị giả, trong suốt thời gian Sư bà Đức Liên xây dựng các Tịnh xá ở miền Trung, Ni trưởng Tứ Liên là cánh tay đắc lực của Sư bà nhất là Tịnh xá Ngọc Châu từ lúc xây dựng đầu tiên vào năm 1959 đến năm 1967. Sau khi Sư bà Đức Liên an dưỡng, Ni trưởng lãnh trách nhiệm trụ trì tại các tỉnh: Quy Nhơn, Bồng Sơn, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh. Sau ngày giải phóng, Ni trưởng trở về Hội An trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu. Ni trưởng tự túc tạo ra nguồn lực kinh tế bằng việc khai phá đất hoang sản xuất Nông nghiệp. Ni trưởng là chỗ dựa tinh thần cho hàng Ni chúng và hàng Phật tử trong lúc xã hội nhiều biến động. Từ năm 1990 – 1995, Ni trưởng đã tái tạo ngôi Tịnh xá ngày một khang trang. Năm 1997, Ni trưởng được Giáo hội bổ nhiệm Trụ trì Tổ đình Ngọc Ninh – Phan Rang.
– Ni trưởng Ánh Liên về trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu đương là thời kỳ thịnh vượng, vâng lời dạy của Ni trưởng Tứ Liên, Sư về lãnh đạo tín đồ nơi đây. Ni trưởng vừa cố gắng trùng tu ngôi Tịnh xá ngày càng khang trang hơn, bên cạnh đó là phát triển công tác từ thiện xã hội cứu trợ đồng bào miền Trung trong các mùa thiên tai bão lũ. Ni trưởng là người đầu tiên trong Hệ phái Ni giới Khất sĩ tiên phong trong việc sưu tầm tài liệu, hiện vật, biên tập lịch sử về Tịnh xá Ngọc Châu.
Có thể thấy rằng, trải qua nhiều gian nan vất vả, Tịnh xá Ngọc Châu đã có vị trí đặc biệt trong lòng người dân Hội An. Các thế hệ Trụ trì tiếp bước nhau được 15 đời Trụ trì. Quý Ni trưởng, Ni sư Trụ trì Tịnh xá Ngọc Châu đã thể hiện tinh thần của một trưởng tử Như Lai. Quý Ni trưởng đã tiếp nối hạnh nguyện của bậc Tổ Thầy làm nên một Tịnh xá Ngọc Châu luôn trường tồn với thời gian. Trải qua bao thế hệ Trụ trì, đi thay đổi theo truyền thống lưu chuyển của Hệ phái Khất sĩ. Vào những giai đoạn chiến tranh 1967 – 1975, do hoàn cảnh của đất nước và ảnh hưởng từ chiến tranh tàn khốc gây ra chư Ni Tịnh xá Ngọc Châu đã là những tấm gương tiêu biểu trong các công tác từ thiện xã hội như: mở trường Sơ cấp dạy miễn phí cho các em học sinh tị nạn chiến tranh, nuôi các em cô nhi bị chiến tranh cướp mất cha mẹ, ủy lạo đồng bào cuộc chiến, cứu hộ đồng bào thiên tai… Trong phong trào chấn hưng Phật giáo. Tịnh xá Ngọc Châu là nơi đi đầu cho các cuộc đấu tranh và là nơi bảo vệ các chiến sĩ cách mạng nhà nước, cho đến ngày nay Tịnh xá Ngọc Châu là một cơ sở Ni thuộc Hệ phái Phật giáo Khất sĩ được ghi nhận trong lịch sử và truyền thống Phật giáo xứ Quảng. Với truyền thống yêu nước, vì chúng sanh, từ khi thành lập đến nay Tịnh xá Ngọc Châu luôn đóng góp rất nhiều cho Đạo pháp và dân tộc. Hiện nay, Tịnh xá là điểm đến tâm linh không chỉ của cư dân địa phương mà còn của các du khách du lịch đến với Hội An.
Nhìn lại hành trạng của quý Ni trưởng tại Tịnh xá Ngọc Châu, không chỉ là khai mở và phát triển Tịnh xá Ngọc Châu như bây giờ mà song song với thời điểm hành đạo ở Quảng Nam, quý Ni trưởng xuất thân từ Tịnh xá Ngọc Châu còn khai mở rất nhiều Tịnh xá ở các tỉnh miền Trung như Tịnh xá Ngọc Linh ở Cam Ranh, Nha Trang, Tịnh xá Ngọc Nhuận ở Quy Nhơn, Tịnh xá Ngọc Thọ ở Kon Tum, Tịnh xá Ngọc Thành ở Buôn Mê Thuộc, Tịnh xá Ngọc Khoa ở Bình Định, Tịnh xá Ngọc Kinh ở Huế, Tịnh xá Ngọc Sơn (Bồng Sơn), Tịnh xá Ngọc Thạch (Phi Nôm), Tịnh xá Ngọc Quảng ở Quảng Ngãi, Tịnh xá Ngọc Lộ ở Cam Lộ, Tịnh xá Ngọc Châu ở Hội An, Tịnh xá Ngọc Cơ ở Đà Nẵng, Tịnh xá Ngọc Yên ở Tuy Hòa, Tịnh xá Ngọc Ninh ở Phan Rang… Đây là một thành quả vô cùng lớn không chỉ đối với Hệ phái Khất sĩ mà còn đối với Ni giới và Phật giáo nói chung.
Trải qua thời gian hình thành và phát triển hơn 60 năm, ngày nay Tịnh xá Ngọc Châu đã trở thành nơi hội tụ tâm linh giữa lòng Hội An. Vào năm 2014, Ủy ban nhân dân Thành phố Hội An chứng nhận Tịnh xá Ngọc Châu được ghi vào danh mục di tích – danh thắng được bảo vệ của thành phố. Tịnh xá Ngọc Châu đã đi vào lịch sử của Phật giáo xứ Quảng nói riêng và Phật giáo Hệ phái Khất sĩ nói chung với nhiều sự đóng góp tích cực cho Đạo pháp và Dân tộc.
Thích Nữ Trung Phúc
—-oo0oo—-